ĐOÀN VIÊN, CNVCLĐ THÀNH PHỐ BẢO LỘC TÍCH CỰC ỦNG HỘ PHÒNG CHỐNG COVID-19 VÀ CHƯƠNG TRÌNH "VẮC - XIN CHO CÔNG NHÂN"

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Một số điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012


Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật công đoàn (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Luật Công đoàn ( sửa đổi) được thông qua tạo hành lang pháp lý mới cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị xã hội.
Một số nội dung sửa đổi cơ bản của Luật như sau:
Chương I. Những quy định chung.
Luật Công đoàn tiếp tục khẳng định Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương này bổ sung điều mới về: “Giải thích từ ngữ” và “Hệ thống tổ chức Công đoàn”. Trong đó, một số từ ngữ liên quan chủ yếu đến thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và Luật Công đoàn như: Quyền công đoàn, Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ công đoàn không chuyên trách, đơn vị sử dụng lao động, tranh chấp về quyền công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã được quy định trong Luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiểu và áp dụng thi hành Luật được thống nhất.
Một điểm mới trong Chương này là đã xác định những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc cản trở thành lập và hoạt động công đoàn; phân biệt đối xử với người lao động, cán bộ công đoàn, can thiệp vào tổ chức và hoạt động công đoàn; đồng thời quy định bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm liên quan lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân nhằm bảo đảm thêm sự bình đẳng trong chấp hành pháp luật công đoàn của các đối tượng áp dụng Luật.
Chương II. Quyền, trách nhiệm của Công đoàn và đoàn viên công đoàn.
Chương này là một trong những chương quan trọng nhất của luật, quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo từng lĩnh vực hoạt động của công đoàn.
Cùng với việc tiếp tục quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động Việt Nam. Luật đã bỏ quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.
Luật Công đoàn sửa đổi quy định cụ thể thêm quyền, trách nhiệm phát triển đoàn viên: Công đoàn có quyền, trách nhiệm phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm cử cán bộ công đoàn đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (điều 16).
Quy định thành lập công đoàn cơ sở; quy định tăng thêm trách nhiệm của Công đoàn cấp trên cơ sở trong việc tiếp cận doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập công đoàn cơ sở, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, hạn chế hiện nay của Công đoàn cơ sở. Đặc biệt quan trọng là quy định trách nhiệm của Công đoàn cấp trên cơ sở trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn: Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu (điều 17). Thông qua đó tạo hành lang pháp lý vững chắc cho Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước thực hiện tốt trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chương III. Trách nhiệm của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dối với công đoàn.
Luật Công đoànđã có quy định mang tính nguyên tắc xác định mối quan hệ hợp tác, phối hợp hoạt động giữa Công đoàn và các Cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp như: Quan hệ giữa Công đoàn với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, phối hợp để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ ( điều 20).
Quy định rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đối với hoạt động Công đoàn: Bảo đảm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, công đoàn và quy định khác của pháp luật có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn; phối hợp với Công đoàn chăm lo và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Lấy ý kiến của Công đoàn khi xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động. Phối hợp và tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (điều 21). Đây là một quy định hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Công đoàn và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Chương IV. Những đảm bảo cho hoạt động công đoàn.
Chương này tập trung bổ sung, sửa đổi năm nội dung lớn:
1. Bổ sung quy định về thời gian hoạt động công đoànđối với cán bộ Công đoàn không chuyên trách tại cơ sở. Theo đó, cán bộ Công đoàn có chức danh từ Uỷ viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở trở lên được sử dụng thời gian trong giờ làm việc 24 giờ trong một tháng, cán bộ Công đoàn có chức danh Tổ trưởng, Tổ phó công đoàn được sử dụng thời gian trong giờ làm việc 12 giờ trong một tháng (do đơn vị, doanh nghiệp trả lương) để hoạt động công đoàn tại đơn vị, doanh nghiệp đó. Quy định mới này là hết sức cần thiết đồng thời nâng cao thêm trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp đối với tổ chức công đoàn.
2. Bổ sung quy định về quyền lợi của cán bộ công đoàn không chuyên trách. Cán bộ công đoàn không chuyên trách do đơn vị sử dụng lao động trả lương, được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam( Khoản 4, điều 24).
3. Bổ sung quy định bảo vệ cán bộ công đoàn về việc làm.
Khoản 1, Điều 25 quy định: Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ.
Hiện nay và trong nhiều năm sắp tới, đại bộ phận cán bộ công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, do người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động và trả lương, vì vậy cán bộ công đoàn cơ sở phụ thuộc rất lớn vào đơn vị, doanh nghiệp về việc làm và thu nhập. Sự phụ thuộc này trên thực tế đã ảnh hưởng rất lớn đến vai trò, hiệu quả đại diện bảo vệ người lao động. Vì vậy, quy định tạo cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn là một yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ công đoàn và của cả hệ thống tổ chức Công đoàn. Thông qua quy định này, tạo hành lang pháp lý vững chắc hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ cán bộ công đoàn, mặt khác tạo thêm điều kiện, vị thế cho công đoàn hoạt động tại cơ sở, hạn chế những hành vi độc quyền, thiên về ý chí của đơn vị sử dụng lao động trong tuyển dụng, sử dụng và chuyển công tác, buộc thôi việc, sa thải những người lao động năng nổ, tích cực hoạt động công đoàn.
4. Bảo đảm về tài chính công đoàn
Xuất phát từ địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm về tài chính cho Công đoàn hoạt động, nhằm bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng về trách nhiệm của các loại hình doanh nghiệp, hỗ trợ việc thành lập Công đoàn cơ sở, giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước; tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn – đặc biệt là đối với cấp Công đoàn cơ sở theo đường lối của Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khoá X).
Điều 26 quy định tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
- Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
- Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Như vậy, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí  công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã thành lập được  công đoàn cơ sở hay chưa.
5. Nhằm bảo đảm nguyên tắc quản lý tài chính công đoàn theo pháp luật tài chính và tăng cường công tác quản lý tài chính của Công đoàn, Luật quy định về vai trò kiểm tra, giám sát và kiểm toán tài chính Công đoàn.
            Công đoàn cấp trên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.Cơ quan kiểm tra của Công đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật ( điều 29).
Chương V. Giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật công đoàn.
Chương này quy định hai nội dung mới liên quan đến xác định nguyên tắc giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn và xử lý vi phạm pháp luật công đoàn. Cụ thể:
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn ( điều 30):
Khi phát sinh tranh chấp về quyền công đoàn giữa đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức công đoàn với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định sau đây:
- Tranh chấp thuộc phạm vi quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong quan hệ lao động thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết theo pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động;
- Tranh chấp thuộc phạm vi quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong các quan hệ khác thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết theo pháp luật tương ứng có liên quan;
- Tranh chấp liên quan đến việc không thực hiện hoặc từ chối thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động đối với Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
Xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn ( điều 31)
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến quyền công đoàn thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn.
Những quy định trên tạo thêm điều kiện cho hoạt động công đoàn, nâng cao hiệu lực của pháp luật, vai trò và vị thế của Công đoàn Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét